Hội chứng buồng trứng đa nang là bệnh lý nội tiết hay gặp nhất ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (7-10%) và là nguyên nhân chính của vô sinh.

1. Rối loạn kinh nguyệt 
Phụ nữ có HCBTĐN thường có đủ estrogen nhưng thiếu progesterone. Điều này gây tăng sản nội mạc tử cung và ra máu tử cung bất thường bởi kích thích của estrogen mạn tính – làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.
Ít gặp hơn, phụ nữ có HCBTĐN có biểu hiện vô kinh thứ phát, những phụ nữ này có nồng độ estrogen thấp hơn, nồng độ testosterone và androgen tự do cao hơn và ít đáp ứng với điều trị.

2. Béo phì
Béo tạng trung tâm (béo bụng) ảnh hưởng 40% đến 50% phụ nữ có HCBTĐN.
Béo phì không chắc chắn là yếu tố khởi phát trong sự phát triển của hội chứng nhưng lại là một yếu tố nguy cơ độc lập của các biến chứng về sinh sản và chuyển hoá. Kiểu hình cơ thể béo bụng (tăng tỉ số eo-hông) có liên quan đến nguy cơ kháng insulin cao hơn và tiến triển thành đái tháo đường type 2 đã được ghi nhận ở cả phụ nữ có HCBTĐN cả béo phì và gầy

3. Thừa androgen

Thừa androgen có thể gây rậm lông, mụn trứng cá, tăng tiết bã nhờn, và rụng tóc do androgen (hói trán kiểu nam). 

Rậm lông được đặc trưng bởi thừa các lông vĩnh viễn ở các vùng phân bố giống như của nam, và thường thấy ở cằm, môi trên, quanh quầng vú và bụng dưới. Đánh giá rậm lông phụ thuộc vào một loạt yếu tố bao gồm người quan sát, chủng tộc của bệnh nhân và có sử dụng các thuốc tẩy lông
thẩm mỹ hay không. Rụng tóc hiếm gặp trong HCBTĐN.

Các dấu hiệu của nam hóa như giọng trầm, tăng khối lượng cơ và phì đại âm vật hiếm gặp trong HCBTĐN, và nếu có thì cần đánh giá xem có u tiết androgen hay không.