Quản lý những vấn đề sức khỏe khác liên quan đến hội chứng PCOS

Ở những phụ nữ bình thường, mỗi chu kỳ kinh nguyệt sẽ có một trứng rụng, nếu trứng được thụ tinh với tinh trùng sẽ tạo thành hợp tử. Hợp tử phát triển thành phôi và di chuyển về buồng tử cung để làm tổ, kết quả là có thai.

Đối với các bạn, rối loạn về nội tiết liên quan đến HC BTĐN làm quá trình rụng trứng không diễn ra đều đặn hoặc thậm chí không rụng trứng, từ đó hiện tượng thụ tinh không diễn ra, hậu quả là làm bạn khó khăn trong việc có thai.

Ngoài ra, một số bệnh lý trong quá trình mang thai có nguy cơ xuất hiện cao hơn ở bạn, nguy cơ sảy thai/ sinh non cũng vì vậy mà cao hơn. Chiến lược quản lý tình trạng hiếm muộn ở bạn bao gồm các vấn đề như sau:

     • Nếu vợ chồng bạn đã quan hệ đều đặn, không sử dụng các biện pháp tránh thai, liên tục trong thời gian trên 1 năm mà vẫn chưa có em bé, bạn cần gặp bác sĩ hiếm muộn để được đánh giá toàn diện, tư vấn và hỗ trợ điều trị.

    • Cách tiếp cận với vấn đề hiếm muộn đầu tiên và quan trọng là thay đổi lối sống (giảm cân, xây dựng lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống hợp lý, chăm sóc sức khỏe tinh thần).

   • Giảm cân trước điều trị giúp quá trình điều trị đáp ứng tốt hơn và tăng khả năng có được một thai kỳ khỏe mạnh nhờ giảm nguy cơ sinh non, tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ,...

   • Nếu vấn đề mong con của bạn không kèm thêm các nguyên nhân hiếm muộn khác, sau khi tham vấn với bác sĩ, bạn có thể được bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc giúp gây phóng noãn (uống hoặc tiêm), hướng dẫn vợ chồng bạn quan hệ với nhau hoặc bác sĩ có thể chuẩn bị mẫu tinh dịch của chồng bạn rồi bơm vào buồng tử cung trước và quanh thời điểm phóng noãn.

 • Nếu liệu pháp gây phóng noãn thất bại hoặc vợ chồng bạn có các nguyên nhân hiếm muộn đi kèm khác, bạn có thể được bác sĩ chỉ định các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hoặc kỹ thuật trưởng thành trứng non trong ống nghiệm (IVM).