CẦN BỔ SUNG GÌ TRƯỚC KHI MANG THAI CHO CẢ BỐ VÀ MẸ?

CẦN BỔ SUNG GÌ TRƯỚC KHI MANG THAI CHO CẢ BỐ VÀ MẸ?
1000 ngày vàng của con bắt đầu từ lúc mẹ có thai cho tới khi con 2 tuổi - Đây là khoảng thời gian rất quan trọng đối với em bé và ảnh hưởng rất nhiều tới quá trình phát triển sau này của con. Chính vì thế dinh dưỡng trong quá trình này phải được chú trọng rất nhiều. Tuy nhiên, không chỉ khi bắt đầu mang thai mẹ mới cần quan tâm tới dinh dưỡng mà để có những ngày vàng đầu tiên thật tốt thì cả mẹ và bố cần phải có kế hoạch và xây dựng 1 chế độ dinh dưỡng đảm bảo trước khi mang thai, đặc biệt là khoảng thời gian 3-6 tháng trước khi mang thai. Bởi vì đây là khoảng thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng những “cô trứng” và “chú tinh trùng” thật tốt và khỏe mạnh để tăng khả năng thụ thai, hạn chế thấp nhất rủi ro thời kỳ đầu mang thai và có được những em bé khỏe mạnh trong tương lai. Vậy thì bố và mẹ cần bổ sung những gì?
Phần 1. ĐỐI VỚI MẸ
1. Acid folic
Acid folic hay còn gọi là Vitamin B9 là một loại vitamin hết sức cần thiết cho sự phát triển của thai nhi, làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc các bệnh dị tật ống thần kinh, một loại dị tật khá phổ biến ở thai nhi như nứt đốt sống, vô sọ, thoát vị não… và làm tăng nguy cơ dị tật ở tim, chi, đường tiểu, sứt môi, hở hàm ếch… ở trẻ sơ sinh.
Tuy nhiên, sẽ rất khó để biết chính xác đã bổ sung đủ lượng Axit Folic mỗi ngày đầy đủ chưa, vì thực phẩm chứa hàm lượng Axit Folic mỗi hôm có thể khác nhau, cách chế biến cũng khác. Do vậy, cách tốt nhất được khuyến cáo đó là phụ nữ nên sử dụng các dạng viên uống có sẵn, được chuẩn hóa hàm lượng Axit Folic, như vậy, thai phụ có thể hoàn toàn yên tâm, không sợ bị thiếu hoặc quá thừa loại vitamin này.
Liều khuyến nghị: từ 0,4mg/ngày trở lên
Thực phẩm chưa nhiều Acid folic: rau xanh sẫm, đậu, hạt, quả bơ, cam, dâu, gạo lứt và các loại ngũ cốc nguyên cám khác.
2. Sắt
Sắt tham gia vào thành phần của tế bào hồng cầu và đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển oxy nên hết sức quan trọng, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai. Sắt tham gia vào việc phân chia tế bào, tạo ra những tế bào mới, đặc biệt, trong vòng 10-16 ngày đầu khi bắt đầu thụ thai, các tế bào thần kinh của thai nhi được tạo ra hàng loạt nhờ sắt và acid folic, vì vậy nếu không đủ sắt thời gian này sẽ có nguy cơ lớn cho cả mẹ lẫn con. Theo các số liệu nghiên cứu, có khoảng 40 - 50% phụ nữ mang thai bị thiếu sắt (thay đổi theo vùng). Riêng kết quả điều tra của Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia, 36,8% phụ nữ mang thai tại Việt Nam thiếu máu và 75% nguyên nhân thiếu máu là do thiếu sắt.
Bổ sung sắt trước khi mang thai sẽ giúp cung cấp đủ lượng sắt dự trữ cần thiết cho cơ thể trong thời gian sau này. Nhu cầu sắt trong quá trình mang thai sẽ tăng lên gấp 6 lần so với bình thường nhưng lượng dự trữ sắt trong cơ thể phụ nữ thường thấp do mất máu kinh nguyệt hàng tháng. Đối với những phụ nữ đã từng mang thai, lượng sắt dự trữ thậm chí thấp hơn.
Liều khuyến nghị: trước khi mang thai là 15mg sắt nguyên tố/ngày trở lên (ví dụ để có thể cung cấp đủ 30 mg sắt nguyên tố mỗi ngày chị em phải uống đến 90 mg sắt fumarat hoặc 250 mg sắt gluconate). Nên uống sắt sau ăn 1-2 tiếng hoặc khi bụng đói để hấp thu sắt tốt nhất và nên uống cùng các đồ uống có nhiều vitamin C.
Thiếu sắt có thể gây thiếu máu. Mẹ bầu thiếu máu dễ mắc nguy cơ biến chứng thai kỳ, nhiễm trùng, sảy thai và các biến chứng hậu sản như đờ tử cung, băng huyết sau sinh,nhiễm trùng hậu sản, chậm liền hoặc dễ hoại tử vết rạch hay vết mổ, chậm tiết sữa. Nguy hiểm hơn, thiếu máu thiếu sắt làm tăng tỉ lệ tử vong ở cả mẹ và bé. Bên cạnh đó, thiếu máu do thiếu sắt có thể gây suy dinh dưỡng bào thai, trẻ dễ bị sinh non, nhẹ ký và ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, trí lực của trẻ sau này
3. Canxi
Canxi là một thành phần khoáng vô cùng quan trọng, ngoài việc tạo xương và răng, canxi còn tham gia quá trình vận động, tuần hoàn, dẫn truyền thần kinh.
Thai nhi không tự tổng hợp được canxi nên nguồn canxi duy nhất thai lấy được là từ người mẹ, chủ yếu là từ xương và răng của mẹ. Nếu không hấp thụ đủ lượng canxi cần thiết, thai nhi sẽ kém phát triển, bị còi xương, thấp bé… Do đó, phụ nữ cần bổ sung canxi ngay cả trước và trong giai đoạn mang thai để phòng ngừa tình trạng thiếu hụt loại khoáng chất này.
Liều khuyến cáo: 800mg canxi nguyên tố / ngày (lưu ý 1000 mg canxi carbonat chỉ có 400 mg canxi nguyên tố). nên uống canxi vào buổi sáng trước 9h, uống cùng vitamin D,K, ZN, Mg để tăng hấp thu canxi
Chế độ dinh dưỡng chuẩn bị mang thai cần có các loại thực phẩm giàu canxi, bao gồm: sữa, sữa chua, phô mai, tôm, cua, trứng, đậu nành, hạnh nhân, bông cải xanh và cải kale. Đây là những nguyên liệu dễ ăn, dễ tìm mua và chế biến.
4. Omega -3
Omega 3 chứa DHA và EPA, giúp phát triển hệ thần kinh trung ương của bé từ những tuần đầu tiên của thai kỳ, giúp phát triển võng mạc mắt, giảm nguy cơ sinh non, thai nhẹ cân. việc bổ sung omega 3 từ trước khi mang thai đem lại nguồn dự trữ DHA và EPA vô cùng quan trọng cho sự phát triển của thai nhi trong thai kỳ, đặc biệt là trong những tuần đầu tiên, giai đoạn phát triển của hệ thần kinh trung ương.
Liều khuyến nghị: tối thiểu 250mg – 500mg DHA và EPA kết hợp / ngày.
DHA và EPA có trong các thực phẩm như: lòng đỏ trứng gà, sữa, thịt đỏ, các loại hạt... Các loại cá như cá thu, cá hồi, cá ngừ, cá mòi… Tuy nhiên, do hải sản có dư lượng kim loại nặng khá lớn, cộng với tỷ lệ chuyển đổi DHA và EPA khá thấp nên việc sử dụng viên uống omega-3 sẽ là lựa chọn tối ưu hơn.
5. Iot
Tuyến giáp cần iot để sản xuất các hormone kiểm soát sự trao đổi chất, giúp cơ thể tăng trưởng, khi mang thai nhu cầu iot của cơ thể người mẹ tăng lên khoảng 50% để đáp ứng nhu cầu cho hormone tuyến giáp cả mẹ và bé. Iot đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển trí não và hệ thống thần kinh của thai nhi.
Phụ nữ mang thai thiếu iot có nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, sinh non. Trẻ thiếu iot từ trong bụng mẹ sẽ bị chậm phát triển trí tuệ do tổn thương não, suy dinh dưỡng, dễ mắc các khuyết tật bẩm sinh như liệt tay chân, nói ngọng, lé, điếc,…
Liều khuyến nghị: 220 mcg / ngày. Có thể dùng các loại thuốc bổ sung iot theo chỉ định của bác sĩ.
Thực phẩm chứa nhiều iot: trứng, thịt, khoai tây, táo, các chế phẩm từ sữa, muối iot,……
6. Vitamin và các yếu tố vi lượng khác
Việc bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất trước khi mang thai đóng vai trò rất quan trọng nhằm đặt nền tảng xây dựng một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn cho cả mẹ bầu và bé. 1 số loại vitamin khác cũng rất cần thiết cho phụ nữ chuẩn bị mang thai chính là vitamin A, C và D.
Vitamin A có nhiều trong gan, cá biển, cà rốt, bí ngô, cà chua,… có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch cho mẹ, bảo vệ thai nhi rất hiệu quả.
Vitamin D giúp mẹ bầu giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật… Hạn chế khả năng thai nhi sinh ra bị nhẹ cân, sâu răng, hen suyễn, viêm đường hô hấp, mềm hộp sọ…
Vitamin C là có tác dụng tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa bệnh tật, giúp hấp thu sắt tốt hơn. Nhờ đó cả mẹ và thai nhi đều có điều kiện sức khỏe tốt nhất. Loại vitamin này có nhiều trong các loại trái cây tươi, rau xanh…
->>>> Việc uống vitamin tổng hợp (có thành phần acid folic) trước và trong khi mang thai góp phần làm giảm nguy cơ dị tật thai nhi, hoặc mắc các bệnh về tự kỷ sau này. Chế độ ăn của mỗi người, mỗi vùng miền, nghề ngiệp là khác nhau khiến chế độ dinh dưỡng khó cân đối và đảm bảo cung cấp đầy đủ các loại vitamin, các yếu tố vi lượng nên việc bổ sung bằng viên uống với liều lượng thích hợp dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ trước và trong khi mang thai là hết sức quan trọng và cần thiết. Ngoài những vitamin và yếu tố vi lượng như trên bài đã đăng thì tất cả những vitamin và yếu tố vi lượng khác đều quan trọng và tham gia vào quá trình tổng hợp chất dinh dưỡng cho mẹ và thai nhi được phát triển toàn diện.
 
Liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ tối đa qua hotline hoặc zalo: 0707.079.555 
Địa chỉ: Số 59 Thiên Lôi, Nghĩa Xá, Lê Chân, Hải Phòng